Văn bản mới

Liên kết website

Thống kê truy cập

Xây dựng nông thôn mới

Bắc Quang tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả Đề án “Thôn Tự chủ - Tự quản”.

22/12/2016 00:00 211 lượt xem

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của Đề án thôn “Tự chủ - Tự quản” sau gần 02 năm triển khai, thực hiện, ngay từ tháng 11 năm 2015, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới huyện Bắc Quang đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện điều chỉnh, bổ sung Đề án “Thôn Tự chủ-Tự quản” bằng việc ban hành Quyết định số 4.300/QĐ-UBND, ngày 20/11/2015. Đồng thời, tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định kiện toàn hợp nhất các Ban Chỉ đạo; Đề án “Thôn Tự chủ - Tự quản”; Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Bắc Quang” thành Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng tiêu chí của Đề án. Đồng thời, tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành 20 quyết định công nhận 20 thôn tự chủ - tự quản đầu năm 2016; 02 kế hoạch, 05 văn bản chỉ đạo và một số một số văn bản khác có liên quan để tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các thôn tổ chức thực hiện Đề án “Thôn tự chủ - Tự quản”.

 

Một cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí “Thôn tự chủ - tự quản” tại xã Việt Vinh, Bắc Quang.

       Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung và thống nhất về nhận thức, cách làm sao cho đồng bộ, huyện cũng đã tiến hành in ấn và phát hành 1.607 quyển Đề án “Thôn Tự chủ - Tự quản” tới tất cả các cơ quan đơn vị, các thôn, bản để phổ biến tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Vì vậy, tính đến nay, tổng số thôn đăng ký thực hiện thôn tự chủ - tự quản của 23 xã, thị trấn là 91 thôn; trong đó, đã được công nhận “Thôn Tự chủ - Tự quản” là 44 thôn, chiếm 48,3% so với tổng số thôn đã đăng ký trong toàn huyện (20 thôn công nhận năm 2014; 09 thôn công nhận năm 2015; 15 thôn được công nhận năm 2016); còn lại 47 thôn đã đăng ký nhưng chưa đạt 6/6 tiêu chí của “Thôn Tự chủ - Tự quản”.

Việc xây dựng quỹ phát triển thôn - một trong 06 tiêu chí cơ bản nhằm duy trì sự phát triển bền vững của thôn tự chủ - tự quản. Tổng số dư quỹ phát triển thôn (của 91 thôn của 23 xã, thị trấn đã đăng ký xây dựng) tính đến thời điểm hiện tại là trên 5,38 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 2,37 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 3 đồng.

Việc quản lý và sử dụng quỹ đã được Ban quản lý quỹ của các thôn thống nhất với bà con triển khai thực hiện một cách công khai, đúng quy định của đề án, như: cho các hộ vay luân phiên để phát triển kinh tế với số tiền từ 5-10 triệu đồng/hộ, thời gian vay 12 tháng tính từ ngày giải ngân; chi cho việc duy tu, sửa chữa nhà văn hóa, đường, cầu cống nhỏ, hoạt động phúc lợi xã hội, hoạt động văn hóa trong thôn... Theo tổng hợp từ các thôn, các khoản chi và số dư quỹ thôn được thực hiện như sau: Tổng Quỹ phát triển thôn: 5.387,4 triệu đồng; trong đó, kinh phí cho các hộ vay: 1.172,10  triệu đồng; kinh phí sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất: 1.327,60  triệu đồng; số dư quỹ thôn còn lại tính đến tháng 11 năm 2016 là 2.887,7  triệu đồng.

Có thể khẳng định rằng, Đề án “Thôn Tự chủ - Tự quản” sau khi được điều chỉnh, bổ sung đã khắc phục được những bất cập, hạn chế trước đây, tạo ra một cơ chế thông thoáng giúp người dân tiếp cận nhanh và toàn diện với nhiều nguồn vốn, như: vay đầu tư có thu hồi, vay và gắn với trách nhiệm của người vay, từ đó, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, tính tự giác vươn lên của người dân ngày càng được nâng cao. Trong suốt quá trình thực hiện đề án, người dân được thực sự là chủ thể trong mọi việc ở thôn - từ việc xây dựng quỹ phát triển thôn được đưa ra bàn bạc công khai dân chủ với tình thần tự nguyện; hình thức đóng góp tùy theo điều kiện của mỗi thôn (có thể đóng góp một lần hoặc chia làm nhiều đợt để đóng góp), đến việc lựa chọn các nội dung hỗ trợ trong phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng.....

Qua hơn 02 năm triển khai Đề án thôn “Tự chủ - Tự quản” có thể khẳng định rằng, Đề án thôn “Tự chủ - Tự quản” là một trong những chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, có thể mang lại những thay đổi to lớn trong nhận thức và không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân. Công tác triển khai Đề án đã được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của các xã, thị trấn quan tâm, chỉ đạo ngày càng sâu sát hơn, qua đó, mang lại những kết quả đáng khích lệ, điển hình là tại thị trấn Vĩnh Tuy, Quang Minh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện đề án còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: (1) Một số cấp ủy chính quyền xã chưa thật sự vào cuộc quyết liệt; sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát còn chưa được thường xuyên, kịp thời. Nhận thức của một số cán bộ chưa sâu sắc, còn nặng về việc xây dựng quỹ thôn, chưa quan tâm nhiều đến thực hiện các nội dung dễ thực hiện, không cần sự đầu tư của nhà nước; (2) Năng lực của lãnh đạo các thôn còn hạn chế, chưa chấp hành tốt theo các văn bản hướng dẫn (họp thôn, sinh hoạt chi bộ); các tổ chức đoàn thể chưa phát huy hết vai trò trong công tác vận động, tuyên truyền các hội viên tham gia, thực hiện; (3) Việc phân công phụ trách thôn, phụ trách cụ thể từng tiêu chí tuy đã được triển khai thực hiện nhưng chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân được phụ trách; chưa chủ động làm việc trực tiếp với thôn để tìm ra giải pháp, phương hướng thực hiện các tiêu chí chưa đạt, chỉ khi nào các đồng chí lãnh đạo huyện xuống thì mới xuống thôn; chưa khơi dậy tính gương mẫu, đi đầu của người cán bộ, Đảng viên trong việc triển khai thực hiện đề án; (4) Các tiêu chí về kết cấu hạ tầng của thôn như tỷ lệ đường giao thông, kênh mương được cứng hóa mới đạt tỷ lệ rất thấp do nguồn lực đầu tư hạn chế, trong khi đó để đạt chuẩn theo yêu cầu tiêu chí cần một nguồn lực rất lớn, vượt quá sức huy động đóng góp của nhân dân; (5) Một số tiêu chí đã đạt nhưng không bền vững hoặc khó đạt như: Chỉ tiêu nhà sạch - vườn đẹp (tỷ lệ đạt còn thấp); chỉ tiêu xóa nghèo; thôn được công nhận là thôn văn hóa; các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác mới thành lập vì thế chưa thể đánh giá được hoạt động có hiệu quả hay không; (6) Nội dung của đề án là toàn diện nhưng nhiều thôn mới chỉ tập trung thành lập quỹ phát triển thôn, quỹ mới dừng lại ở việc huy động nhân dân trong thôn đóng góp và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được các nguồn khác từ bên ngoài hoặc tiết kiệm từ việc tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới và các nguốn hợp pháp khác. Việc sử dụng quỹ thôn chưa tuân theo nội dung của đề án dẫn tới chưa thật sự giải quyết nhu cầu cho hoạt động phúc lợi xã hội; (7) Công tác chỉ đạo điều hành, thông tin báo cáo của hầu hết các xã ít được quan tâm, như việc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo huyện về xây dựng báo cáo tổng kết cũng như đôn đốc tích cực của ngành chuyên môn. Số liệu trong báo cáo không thống nhất, báo cáo của nhiều xã mới mang tính liệt kê, chưa có nhận định, đánh giá, chất lượng báo cáo còn thấp.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Thôn Tự chủ - Tự quản”, thiết nghĩ, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện cần: (1) Tập trung chỉ đạo các thành viên tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện Đề án; (2) Chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện giải pháp để đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí thuộc lĩnh vực ngành mình đảm trách; (3) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tiêu chí được phân công phụ trách chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiến hành thẩm định đối với các thôn đạt 6/6 tiêu chí (do các các xã, thị trấn tự đánh giá) hàng năm để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo cấp huyện đảm bảo đúng tiến độ; (4) Đối với các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo các thôn: Rà soát, đánh giá cụ thể các tiêu chí ở các thôn được lựa chọn thực hiện, trên cơ sở đó, chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp thưc hiện đối với những tiêu chí chưa đạt. Phân công cán bộ, công chức xã thường xuyên, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các tiêu chí. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa để nhân dân tham gia thực hiện, đặc biệt là những tiêu chí không cần sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước./.

C.T.V


Tin khác